Theo những thống kê dân số mới nhất, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi tại Nhật ngày càng giảm, điều đó đồng nghĩa với việc trong vòng khoảng sau 5 năm nữa thôi, lực lượng lao động Nhật vốn đã “teo nhỏ” vì dân số già sẽ lại càng tiếp tục sụt giảm mạnh hơn nữa.
Tình trạng thiếu lao động trầm trọng đã dẫn đến tình hình gần đây tại Nhật đã xảy ra không ít trường hợp chủ lao động trong ngành dịch vụ đã phải cố tình thuê lao động quá giờ, trả lương bằng tiền mặt cho lao động nước ngoài để né sự kiểm tra của cơ quan xuất nhập cảnh.
Đó là còn chưa kể đến việc nhiều nhà hàng khách sạn bí mật thuê cả khách du lịch để làm việc ngắn hạn theo visa du lịch 3 tháng, giống như vụ việc từng xảy ra ở Hokkaido cách đây khoảng 2 tháng.
Người ta không khỏi đặt câu hỏi tại sao các chủ lao động Nhật lại phải tuyển dụng lao động theo hình thức như vậy mà không phải là tuyển lao động trực tiếp từ nước ngoài bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật?
Nguyên nhân lý giải cho việc đó nằm ở chính sách của chính phủ Nhật, cho đến nay, dù đã đưa hàng trăm nghìn lao động phổ thông vào Nhật dưới hình thức du học hay hình thức tu nghiệp sinh, chính phủ Nhật vẫn không muốn chính thức tuyên bố đã mở cửa đón lao động nhập cư. Rất nhiều thập kỷ qua, chính phủ Nhật luôn muốn giữ chính sách nhập cư khắt khe.
Người ta từng nhắc lại câu chuyện về những người Hàn Quốc và Brazil di cư đến Nhật. Tính từ khi người Hàn Quốc và Braxin đầu tiên đến Nhật đến nay cũng đã nửa thế kỷ, tỷ lệ người Hàn Quốc chuyển được sang quốc tịch Nhật dù sao vẫn cao hơn so với tỷ lệ này trong nhóm người Brazil, nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Nếu những người Hàn Quốc đó sống thời gian tương đương ở các nước khác như Mỹ, Canada, Đức, tỷ lệ chuyển sang được quốc tịch Mỹ, Canada, Đức sẽ cao hơn rất nhiều. Còn đối với nhóm người Brazil, chủ yếu họ chỉ làm lao động phổ thông. Và dù sống ở Nhật đã nhiều năm nhưng đến năm 2010 khi kinh tế Nhật khó khăn, không ít người Brazil đã bị yêu cẩu phải quay về nước dù họ gần như không còn nói được tiếng bản ngữ của Brazil.
Tuy nhiên, khi mà tỷ lệ già hóa dân số ngày một cao, áp lực thiếu lao động trầm trọng, chính phủ Nhật đang phải âm thầm thay đổi chính sách. Cụ thể, trong diễn biến chính sách mới nhất, chính phủ Nhật dự định sẽ nới lỏng quy định lao động cho người nước ngoài trong một số ngành dịch vụ ví như phiên dịch hay đầu bếp trong các “đặc khu”.
Theo những quy định trước đây, nếu muốn làm phiên dịch tại Nhật, người lao động phải tốt nghiệp đại học hoặc có kinh nghiệm phiên dịch ít nhất 3 năm (bằng cấp cao đẳng và senmon – trường đào tạo nghề của Nhật không được chấp nhận). Nay, chính phủ Nhật có kế hoạch sẽ nới lỏng các quy định về bằng cấp đối với một số đối tượng người lao động làm việc trong các ngành dịch vụ, ví như du lịch hay khách sạn.
Nhu cầu đối với nhân sự ngành IT tại Nhật hiện cũng rất cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp Nhật đã thiếu nhân sự đến mức trong những năm trở lại đây, họ đã ký hợp đồng mua nhân sự IT từ nhiều công ty Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác.
Hình thức mua nhân sự sẽ như sau: Phía công ty Việt Nam chịu trách nhiệm đào tạo theo yêu cầu của phía Nhật và đến lúc tốt nghiệp sẽ xuất khẩu lao động cho các công ty Nhật. Tất nhiên những nhân sự này phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đạt yêu cầu chuyên môn của phía Nhật, với các nhân sự trình độ cao, họ phải có khoảng 10 năm kinh nghiệm.
Trong chương trình cải cách chính sách và kinh tế mới nhất, chính phủ Nhật dự kiến sẽ lập ra khoảng 17 đặc khu để thực nghiệm các chính sách cải cách chính sách và kinh tế mới.
Những ngành nghề được ưu tiên bao gồm phiên dịch, đầu bếp, nhà thiết kế thời trang, kỹ sư IT. Những đặc khu trên sẽ được sắp xếp quanh khu vực Tokyo và Osaka. Việc thành lập các đặc khu sử dụng lao động như trên hoàn toàn đồng nhất với mục tiêu tăng số lượng du khách đến Nhật từ con số khoảng 20 triệu hiện nay lên mức 40 triệu trong tương lai gần.
Ngọc Diệp Theo Trí Thức Trẻ