Ở đất nước mặt trời mọc, tuyển sinh đại học khá phức tạp với nhiều hình thức thi vào thời điểm khác nhau. Học sinh trung học phổ thông phải xác định nguyện vọng, ngành học, đích đến của mình từ rất sớm.
Nhiều kỳ thi khác nhau
Theo quy định của Bộ Giáo dục Nhật Bản, các trường trên toàn nước Nhật không tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Để trao Giấy chứng nhận Tốt nghiệp, trường căn cứ kết quả học tập. Sau đó, tùy nhu cầu, học sinh sẽ lựa chọn học đại học, hoặc đào tạo tại các khóa kỹ thuật và dạy nghề.
Muốn vào ngưỡng cửa đại học công lập, các bạn Nhật Bản phải tham dự 2 kỳ thi: Kỳ thi trung tâm (Senta Shiken) và kỳ thi riêng.
Kỳ thi trung tâm tổ chức vào ngày 14 và 15/1 hàng năm. Kết quả dùng làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học của nhà nước (kokuritsu) hoặc trường của tỉnh và thành phố (shiritsu).
Kỳ thi chung tại Nhật Bản được tổ chức vào tháng 1 hàng năm.
Mira Trần (cựu học sinh Trung học Quốc tế Doshisha, Kyoto) cho biết, đại học công lập bắt buộc học sinh thi 5 môn: Toán, Nhật ngữ, Ngoại ngữ, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Đề thi được hướng dẫn trực tiếp từ chương trình của Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Bộ Thể thao, Bộ Khoa học và công nghệ dưới hình thức trắc nghiệm.
“Các trường đại học tư thục cũng có kỳ thi chung, được tổ chức vào thời gian khác. Đề thi này không khó, chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản ở trung học”, Mira Trần cho biết thêm.
Điểm của Kỳ thi chung cùng với kết quả học tập phổ thông sẽ dùng để nộp vào các trường đại học. Trường sẽ lấy đó làm cơ sở, tạo danh sách thí sinh của Kỳ thi riêng.
Cuộc thi này tổ chức tại trường đại học vào đầu tháng 2. Tùy theo từng khoa, ngành, trường, sẽ có đề thi khác nhau. Có trường yêu cầu viết luận, có trường sẽ phỏng vấn thí sinh.
Tổng số điểm của hai đợt thi sẽ quyết định thí sinh có đỗ đại học hay không.
Mira Trần đăng ký chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Kyoto. Cô thi môn Kinh doanh công nghiệp và Xử lý thông tin. “Hai môn này cũng được dạy tại trường Trung học. Đề thi yêu cầu học sinh có kiến thức cơ bản về chuyên ngành mình sắp học. Ngoài ra, tiếng Anh và tiếng Nhật cũng rất cần thiết”, Mira kể.
Bên cạnh đó, tại Nhật Bản còn có hình thức tiến cử (Suisen). Trường THPT sẽ giới thiệu cho trường đại học những sinh viên xuất sắc, có kết quả học tập cao, thành tích nổi bật. Số lượng thí sinh được tiến cử rất ít. Suisen được tổ chức bằng hình thức phỏng vấn.
Những năm gần đây, học sinh Nhật Bản còn có thể tự mình tiến cử cho trường, gọi là “AO shiken”. Thí sinh tự nộp kết quả học tập, viết một bài luận, đến trường tham gia phỏng vấn.
Đề thi đại học ở Nhật tập trung đánh giá khả năng suy luận của thí sinh.
Lê Anh Công (sinh viên Đại học Tohoku) nhận xet: “Đề thi đại học ở Nhật tập trung đánh giá khả năng suy luận của thí sinh, hơn là việc ghi nhớ kiến thức. Môn Lịch sử ở đây cực kỳ quan trọng. Các trường đại học đều yêu cầu sinh viên hiểu biết lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới".
Theo Anh Công, người Nhật Bản rất coi trọng học vấn, và việc hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của đất nước sẽ giúp sinh viên chăm chỉ học hành và cố gắng phấn đấu cho tương lai. "Bài luận nếu viết về đề tài lịch sử sẽ được đánh giá cao hơn những chủ đề khác".
“Người Nhật hiện đại nhưng rất trân trọng truyền thống, vì vậy Lịch Sử là môn học, cũng là môn thi quan trọng nhất kỳ thi đại học”, nam sinh cho biết.
Kỳ thi ảnh hưởng lớn đến xã hội Nhật Bản
"Kỳ thi Đại học tập trung là một hiện tượng xã hội tại Nhật Bản, thu hút sự chú ý của báo giới, truyền hình. Tại đây còn có riêng một 'Trung tâm Quốc gia' để quản lý kỳ thi tuyển sinh đại học", tờ Japantoday cho biết.
Theo cục Thống kê Nhật Bản, năm 2015, khoảng 610.000 học sinh tham gia kỳ thi, được tổ chức tại 693 địa điểm trên khắp đất nước. Học sinh thi tuyển vào 855 trường đại học công lập, đại học tư nhân, cao đẳng.
“Cả đất nước Nhật Bản đều chú ý tới kỳ thi này. Gia đình nào có con thi đại học năm đó sẽ là tâm điểm của cả dòng họ”, Mira Trần cho biết.
Sự cạnh tranh vào đại học ở Nhật rất căng thẳng. Các trường hàng đầu luôn có điểm tuyển sinh rất cao, như Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Viện kỹ thuật Tokyo, Đại học Kyushu.
Nhật Anh (cựu học sinh trung học Tennoji, hiện là sinh viên Đại học Osaka) tâm sự, học sinh Nhật Bản phải xác định ngành nghề theo học từ rất sớm. Gia đình và thầy cô giúp các bạn trẻ chọn trường, khoa, chọn môn học từ khi bắt đầu vào trung học. Việc thi đại học rất căng thẳng, nhiều học sinh căng thẳng, mắc bệnh tâm lý sau kỳ thi này”.
Báo The Japan Times cho biết, các trường đại học lớn và nổi tiếng ngày càng khó thi vì số lượng học sinh đăng ký quá đông. Trong khi đó ở các trường top dưới, việc thi đầu vào ngày càng đơn giản. Nhiều trường chỉ yêu cầu thí sinh có điểm của Kỳ thi chung trên trung bình.
Ngân Giang