Lúc chuẩn bị hành lý du học Nhật Bản mình cũng rối lắm, không biết nên hay không nên đem gì sang. Nhưng không đem thì lại lo, thôi thì tâm lý “cứ đem đi cho chắc ăn”. Qua đến nơi mới “lòi” ra là nhiều thứ không cần hoặc bên này bán đầy thì lại đem qua! Mình ghi lại kinh nghiệm để các bạn tham khảo, tránh rơi vào trường hợp “nuối tiếc” như mình.
1. Quần áo:
Quần áo là vật dụng chiếm nhiều diện tích vali nhất khi đi du học Nhật Bản nên các du học sinh đặc biệt cần lưu ý.
Nhật Bản có 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ ràng. Nhiệt độ thay đổi theo từng mùa nên quần áo cho các mùa vì vậy cũng khác nhau. Các bạn ở miền Nam có lẽ không quen với điều này.
- Mùa Xuân: Từ khoảng tháng 3 đến tháng 5
- Mùa Hè: Từ khoảng tháng 6 đến tháng 8
- Mùa Thu: Từ khoảng tháng 9 đến tháng 11
- Mùa Đông: Từ khoảng tháng 12 đến tháng 2
Dùng từ “khoảng” là vì thời tiết không thay đổi đúng chính xác vào ngày tháng nào cả. Ví dụ, sang tháng 3 mà trời vẫn còn lạnh như mùa Đông, mặc quần áo mùa Đông là bình thường; hay mới giữa cuối tháng 5 hoặc đã sang tháng 9 rồi mà trời vẫn còn nóng như mùa Hè, mặc quần soọc, áo thun ngắn tay là chuyện bình thường.
Vậy chuẩn bị quần áo sao cho hợp lý? Cứ tinh thần cái gì ở Việt Nam rẻ hơn thì mua đem qua, còn cái gì bằng giá với ở Việt Nam thì thôi mua bên này cho tiện, khỏi mất công mang vác, lại hợp thời trang.
- Quần áo mặc ở nhà, quần áo bằng cotton: Mua ở Việt Nam rẻ hơn, đem đi cũng nhẹ.
- Váy, đầm nữ để đi chơi hoặc đi học/đi làm: May hoặc mua sẵn ở Việt Nam có thể rẻ và đẹp hơn nhiều.
- Áo sơmi, áo thun nam: Mua bên Nhật Bản có khi rẻ hơn, khoảng trên dưới 500,000 VND. Nếu mua ở Việt Nam mà rẻ hơn giá này thì nên mua đem sang. Cần phải có ít nhất 1 hoặc 2 áo sơmi trắng.
- Áo khoác, áo gió, áo ấm mùa đông, quần áo mặc ở nhà trong mùa Đông: Mua ở Nhật có thể rẻ hơn, chắc chắn tốt hơn. Nếu mua ở Việt Nam mà giá hơn 1 triệu đồng thì có khi nên suy nghĩ lại, để sang bên này mua. Để yên tâm thì nên đem theo 1 áo khoác (sợ mới sang chưa biết đường đi mua ngay được).
- Khăn quàng cổ, mũ/nón, nón len cho mùa lạnh: Mua ở Việt Nam rẻ hơn nhiều, đem theo cũng nhẹ. Nên mua vài cái để thay đổi (ví dụ: dùng cho các mùa khác nhau) hoặc làm quà tặng cho các thầy cô giáo người Nhật.
- Vớ/tất, vớ chân legging: Nhất là legging cho các bạn nữ, mua ở Nhật tốt hơn, giá hợp lý, chất lượng rất tốt, có loại dùng cho mùa lạnh. Tất nhiên cũng cần đem theo sẵn vài đôi. Các bạn nam cần phải có ít nhất 7 đôi để đi giày thể thao và 2 đôi màu đen để đi giày tây, mua hết ở Việt Nam đem sang cũng tốt. Nếu cần thêm thì sang đây mua sau cũng được.
- Giày thể thao: Nếu định mua giày hiệu ở Việt Nam khoảng 100 USD thì tốt hơn là để sang bên này mua. Giá cũng vậy mà đúng là giày hiệu thật. Còn giày để chơi cầu lông, bóng đá thì mua ở Việt Nam đem sang rẻ hơn.
- Giày Tây nam: Mua ở Việt Nam đem sang rẻ hơn. Cần có ít nhất 1 đôi. Nên lựa đôi nào không quá cứng, phù hợp với việc đi bộ trường kỳ!
- Giày nữ (giày cao gót, dép xẹp…): mua ở Việt Nam vài đôi đem qua vì bên này rất mắc. Lưu ý chọn những đôi bền, có quai hậu,…những đôi phù hợp với việc đi bộ vì sang bên này phải đi bộ rất nhiều.
- Đồ vest: Quan trọng nhất là phải chuẩn bị ít nhất một bộ đồ vest sẫm màu (tốt nhất là màu đen), nếu có điều kiện chuẩn bị thêm một bộ vest màu khác nữa thì tốt. Hoặc là một bộ cho mùa lạnh và một bộ cho mùa nóng. Mua vải & may đồ vest ở Việt Nam sẽ rẻ hơn nhiều so với mua ở Nhật. Bạn sẽ cần một bộ vest lịch sự để đi xin việc, đi tham dự hội nghị, họp mặt, dự lễ gì đó, đi kiến tập… Nói chung là trong thời gian ở Nhật thế nào bạn cũng phải dùng tới :)
2. Đồ dùng học tập khi đi du học:
- Máy vi tính: Hết sức cần thiết trong học tập, cuộc sống hàng ngày và liên lạc với gia đình, bạn bè (qua Yahoo, Skype…). Bạn nên trang bị cho mình một máy vi tính xách tay có cài sẵn phông chữ & bộ gõ tiếng Nhật.
- Đầu chuyển phích cắm điện: Ổ điện ở Nhật Bản đầu dẹp còn ở Việt Nam là đầu tròn nên bạn nên mua đầu chuyển đem theo sang. Nếu quên thì bạn vẫn có thể mua được ở các cửa hàng 100 yên bên này.
- Từ điển: Tốt nhất là không nên đem qua! Hồi xưa mình cũng lo nên cũng đem sang một cuốn từ điển nhỏ (loại Nhật - Việt, Việt - Nhật, bìa màu đỏ). Nhưng thực tế là chưa một lần nào sử dụng cả. Toàn bộ là sử dụng từ điển online hết. Nếu có điều kiện, khi sang đến Nhật bạn nên trang bị cho mình một máy từ điển điện tử. Loại này chỉ có Anh - Nhật, Nhật - Anh thôi, giá khoảng dưới 25,000 yên là được một cái rất tốt rồi.
- Sách: Hạn chế đến mức tối đa, chỉ đem sang nếu bạn chắc chắn rằng mình không thể không dùng đến cuốn sách đó! Tốt nhất là scan và chỉ đem file mềm đi thôi.
- Vở: Không nên đem sang hoặc chỉ đem một quyển nhỏ, mỏng, bỏ túi thôi. Bạn có thể mua thoải mái ở cửa hàng 100 yên bên này.
- Bút viết, hộp bút: Roàn bộ có thể mua ở cửa hàng 100 yên, nhưng bạn cũng nên đem theo ít nhất là 1 cây bút bi (màu đen, vì bên này rất ít khi dùng màu xanh), 1 bút chì bấm + 1 hộp ruột bút chì, 1 bút chì HB (thường dùng khi làm bài thi) và 1 cục gôm (phòng khi bạn cần phải dùng đến ngay sau khi sang mà lại chưa có thời gian đi mua).
3. Vật dụng cá nhân:
- Kính cận: Nên mua thêm 1 cặp kính dự bị từ Việt Nam. Nếu bạn bị cận thì nên mua thêm 1 cặp kính cận ở Việt Nam đem sang để chẳng may kính đang đeo bị hỏng thì còn có cái mà thay ngay được. Kính cận bán ở Nhật rất là mắc tiền!
- Thuốc: Ở Nhật Bản ngoại trừ những bệnh thông thường (cảm, sổ mũi, đau đầu, đau bao tử…) còn lại muốn mua thuốc thì phải đến bệnh viện cho bác sĩ khám, sau đó cầm toa thuốc do bác sĩ kê thì mới đến nhà thuốc mua thuốc được. Nhật có quy định cụ thể những loại thuốc nào chỉ được bán khi có toa do bác sĩ kê. Nên nếu bạn có bệnh gì đặc biệt và đang điều trị theo thuốc ở Việt Nam thì khi du học Nhật nên đem thuốc đó + thuốc dự phòng sang.
4. Thực phẩm:
- Nước mắm: Nếu có thể thì đem sang 1 chai nước mắm ngon để dùng dần. Ở Nhật có bán nước mắm nhưng đa phần là nước mắm Thái Lan, không ngon. Vài cửa hàng Châu Á có bán nước mắm Việt Nam nhưng đều là những nhãn hiệu không tên tuổi ở Việt Nam, chứ không có nước mắm Knorr hay Chin Su! Nếu mang sang thì bọc kỹ, để trong hành lý gửi (mình đã đem sang nhiều lần như vậy). Nên mua loại chai thủy tinh.
- Hạt nêm: Nên đem theo 1 gói hạt nêm từ thịt (nếu bạn đã quen dùng hạt nêm khi nấu ăn) vì bên này khi nấu ăn chủ yếu là dùng nước tương (xì dầu), đường, mirin. Bạn có thể mua hạt nêm ở các siêu thị ở Nhật, nhưng tất nhiên là giá mắc hơn ở Việt Nam và chỉ được một chai nhỏ xíu.
- Mì gói: Không nên đem sang! Có nhiều bạn khi du học Nhật thì đem rất nhiều mì gói khi sang đây, chiếm khá nhiều diện tích hành lý, trong khi bạn có thể dễ dàng mua các loại mì gói, mì ly ở tất cả các siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích bên này, giá rẻ (rất nhiều loại mì ly ăn liền dưới 100 yên), ngon. Nếu bạn lo lắng thì chỉ nên đem theo 2-3 gói, phòng khi mới sang chưa kịp đi mua sắm mà bụng lại đói!
- Đặc sản Việt Nam để tặng thầy cô, bạn bè quốc tế ăn cho biết hoặc để tổ chức ăn uống: Cà phê, bánh kẹo Việt Nam như kẹo dừa, kẹo cà phê, bánh đậu xanh, bánh cốm (món bánh cốm hơi bị đặc biệt đấy), bánh tráng cuốn, bánh tráng để làm chả giò (thực ra bên này cũng có bán nhưng rất khác với loại ở Việt Nam), viên nấu phở/bún, bún, bột bánh xèo: mỗi thứ một ít! Đây là nguyên liệu để nấu những món Việt Nam điển hình mà các bạn Nhật rất yêu thích (nhất là món bánh xèo)! Có điều kiện thì nên mang sang.
- Còn lại những thực phẩm linh tinh khác: Ví dụ như tôm khô, nấm mèo, bún tàu…(nhiều bạn đem sang để làm chả giò) thì không nên đem qua vì bên này có bán đầy đủ cả.
Sưu tầm
Các tin / bài viết cùng loại: