Ngày nay, những sinh viên tốt nghiệp các trường Trung cấp có chứng chỉ chuyên môn cũng được phép chuyển đổi sang thị thực lao động, nếu được một công ty tại Nhật Bản nhận vào làm việc. Điều này đã làm tăng số lượng du học sinh ở lại làm việc sau tốt nghiệp. Trong những khoá sinh viên Việt Nam ra trường gần đây, không ít người đang làm việc tại những công ty hàng đầu của Nhật Bản và nước ngoài.
Đối với các bạn du học sinh đã tốt nghiệp Cao đẳng hoặc Đại học ở Việt Nam nếu không có nguyện vọng chuyển tiếp lên bậc sau Đại học thì chỉ cần học tiếng Nhật, tốt nghiệp xong, nếu được tuyển dụng vào công ty Nhật Bản thì các bạn hoàn toàn có đủ tư cách để chuyển đổi visa từ du học sang lao động. Vì vậy, các bạn sẽ chỉ cần học tiếng Nhật đủ ở trình độ N2 trở lên (tốt nhất là N1 đối với các bạn chuyên ngành kinh tế - xã hội) mà không cần học lại Cao đẳng hay Đại học ở Nhật Bản, trừ khi bạn thực sự muốn học một chuyên ngành khác với chuyên ngành mình đã học ở trong nước.

Việc chuyển đổi visa sẽ do công ty tuyển dụng bạn tại Nhật Bản chịu trách nhiệm làm giúp vì bạn sẽ khó mà tự làm được. Đa số các bạn sẽ làm việc cho công ty Nhật Bản với các công việc chủ yếu thuộc về dịch thuật (làm thông phiên dịch) hoặc văn phòng, dịch vụ khách hàng. Một số ít sẽ được làm đúng chuyên ngành về kỹ thuật như công nghệ thông tin, điện, điện tử với điều kiện phải đạt trình độ chuyên môn. Nghĩa là phần đông sẽ không được làm đúng ngành nghề mình đã học trong nước. Nhưng điều này không có nghĩa là mình không được phát huy bản thân. Ai đã từng đi làm cho các công ty Nhật Bản thì sẽ hiểu, công ty không phải hoàn toàn chỉ cần những người có đúng chuyên môn phù hợp với ngành kinh doanh của công ty, mà họ cần một người đã được đào tạo những kỹ năng cơ bản đủ để học hỏi thêm cái mới (du học sinh Việt Nam mình luôn thiếu các kỹ năng này nên thường vào công ty là được đào tạo lại từ đầu).
Hầu hết sinh viên Nhật Bản mới ra trường đều được đào tạo khi vào công ty. Mấy tháng đầu chỉ là học việc. Mà đã học việc thì sẽ học hết các thứ thuộc về công ty, và "bị bắt" làm tất cả mọi việc, không nề hà bất cứ việc gì. Từ đó họ sẽ phát hiện ra năng lực của nhân viên mới này để rồi cân nhắc lên vị trí khác. Vậy nên, đã xác định làm cho các công ty Nhật Bản là phải chịu khó học hỏi mọi thứ, từ nhỏ đến lớn. Đừng mang tư tưởng "Tôi đã tốt nghiệp Đại học thì tôi phải được làm đúng chuyên ngành" như biết bao bạn trẻ đã và đang băn khoăn và thắc mắc. Các công ty Nhật Bản họ đào tạo "thầy" từ những người "thợ", vậy nên, muốn làm thầy thì ắt phải bước qua giai đoạn làm thợ. Hầu hết những giám đốc của các công ty Nhật đều là những nhân viên bình thường, sau thời gian được rèn luyện, làm việc bền bỉ mấy chục năm mới lên chức giám đốc. Họ sẽ là những người am tường nhất về công ty vì người Nhật quan niệm: người chủ phải là người đi từ trong ruột đi ra, chứ không phải chỉ biết "chỉ tay năm ngón" như quan niệm thường nghe ở Việt Nam chúng ta.
Các tin / bài viết cùng loại: