Hãy thu thập thông tin của các công ty có tuyển dụng du học sinh ở các trường đào tạo chuyên ngành và các công ty bạn quan tâm. Tự bản thân phân tích đặc trưng và tiềm năng của mỗi công ty dựa trên những thông tin đã thu thập được. Thu thập thông tin công ty là một điều rất quan trọng giúp bạn có thể hiểu rõ động lực và niềm đam mê của bản thân, và nhận thấy công ty có phù hợp với mình hay không.
*Sử dụng internet*
Internet rất có ích trong hoạt động tìm việc làm. Hãy truy cập vào trang chủ công ty, tra cứu thông tin đăng tải và thông tin tuyển dụng. Thông tin sẽ luôn được cập nhật và thay đổi về nội dung đăng tải, nên bạn phải thường xuyên kiểm tra trang chủ của những công ty mình quan tâm. Nếu cần yêu cầu tài liệu về công ty hay liên hệ bằng email, nên lưu ý là không được sử dụng cách viết email cho bạn bè, mà phải sử dụng văn phong tiếng Nhật thương mại.
*Gọi điện thoại*
Khi cần yêu cầu tài liệu về công ty, nếu không có những quy định đặc biệt thì có thể yêu cầu qua điện thoại. Do công ty rất bận rộn, nên tránh gọi điện thoại ngay sau thời gian bắt đầu làm việc và ngay trước thời gian làm việc, hoặc trước và sau giờ nghỉ trưa (trước và sau 12 giờ - 13 giờ).
*Tìm hiểu qua sách, báo, tạp chí*
Để tìm hiểu về ngành nghề và công ty bạn quan tâm, hãy đọc các tạp chí thông tin việc làm, tạp chí chuyên ngành, báo, v.v… Các cuộc thi tuyển dụng thường hỏi về những vấn đề liên quan đến thời sự, nên bạn cần phải kiểm tra thông tin trên báo chí một cách đều đặn.
Hãy trao đổi thông tin với bậc đàn anh/chị ở cùng trường đào tạo chuyên ngành hoặc cùng quốc tịch với bạn. Việc học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước là một cách hiệu quả để hiểu rõ tình hình thực tế của công ty - những điều không được nêu trong phần giới thiệu về công ty. Trước khi đến tìm hiểu, hãy liên lạc trước bằng thư từ hoặc điện thoại, v.v… và chỉ đến tìm hiểu sau khi đã nhận được sự xác nhận về cuộc hẹn dự định từ phía đối tượng. Nếu gọi điện thoại, cần lưu ý là phải sử dụng ngôn từ và thời gian gọi tương tự như gọi điện thoại khi cần yêu cầu tài liệu về công ty. Khi đến tìm hiểu, nên mặc đồ vest và trừ hao cả thời gian bị trễ xe điện, v.v… Ngoài ra, cũng có những công ty yêu cầu phải nộp các giấy tờ cần thiết khi đến tìm hiểu, nên bạn cần phải xác nhận trước vấn đề này.
► Đặt câu hỏi cho bậc đàn anh/chị
Động cơ làm việc cho công ty Nhật Bản, cách tiến hành hoạt động tìm việc làm và những điểm lưu ý, những câu hỏi trong phỏng vấn, công việc hiện tại, những vấn đề khó khăn gặp phải sau khi đã được tuyển dụng, v.v…
Tích cực tham gia các buổi giới thiệu về công ty hay hội thảo việc làm, v.v... Đây là cơ hội tốt để bạn gặp gỡ nhiều công ty, trò chuyện trực tiếp với những người phụ trách, tìm hiểu xem công ty đang cần nguồn nhân lực như thế nào, v.v… Cần phải thường xuyên kiểm tra thông tin về các sự kiện, các buổi giới thiệu về công ty của những công ty bạn quan tâm hoặc những thông tin liên quan trên các trang web thông tin việc làm, v.v... Tốt nhất bạn nên mặc đồ vest và mang theo nhiều bản sơ yếu lý lịch để nộp khi được yêu cầu.
Khi ứng tuyển, cần phải hoàn tất sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Chúng ta ai cũng đều muốn thể hiện nguyện vọng tìm việc và những biểu hiện tốt, nhưng không được viết nội dung sai sự thật. Nếu không có quy định đặc biệt nào khác trong bản sơ yếu lý lịch, thì sử dụng mẫu của Nhật Bản bán trên thị trường. Đơn xin việc là loại giấy tờ do từng công ty chuẩn bị riêng, gồm sơ yếu lý lịch hay bản tự giới thiệu, đơn ứng tuyển có thêm các câu hỏi thi viết đơn thuần.
*Sơ yếu lý lịch*
Sơ yếu lý lịch là công cụ đầu tiên để tạo sức hút cho bản thân. Đây cũng là bước đầu tiên để người phụ trách tuyển dụng của công ty tuyển chọn hồ sơ. Vì bạn sẽ ứng tuyển cùng lúc với nhiều công ty, nên cần chuẩn bị nhiều bản sơ yếu lý lịch để thuận tiện trong việc xin việc làm.
► Những điểm lưu ý về cách viết sơ yếu lý lịch
-
Tốt nhất là nên viết tay. Cần phải viết cẩn thận sao cho dễ đọc và không được viết sai hoặc viết sót.
-
Hình thẻ dán trong sơ yếu lý lịch phải là hình mặc đồ vest và được chụp ở tiệm chụp hình.
-
Quá trình học vấn được viết từ thời điểm kết thúc chương trình giáo dục phổ cập bắt buộc, cho đến thời gian học tại trường đào tạo chuyên ngành, gồm cả khoa và ngành theo học.
-
Nếu có kinh nghiệm làm việc, tốt hơn là viết cả tên công ty, bộ phận trực thuộc, thời gian làm việc tại công ty và nội dung công việc cụ thể.
-
Viết bằng cấp và chứng chỉ, v.v… theo trình tự thời gian được cấp và không cần phải ghi những bằng cấp, chứng chỉ không liên quan đến công việc. Tuy nhiên, nên ghi rõ những bằng cấp, chứng chỉ đó được sử dụng trong phạm vi quốc tế hay chỉ trong Nhật Bản.
-
Tích cực tạo sức hút cho bản thân khi nói về động cơ xin việc hay nguyện vọng của bản thân, v.v…
-
Trước khi nộp hồ sơ vào công ty, nên nhờ giáo viên ở trường kiểm tra lại.
-
Cho sơ yếu lý lịch đã hoàn tất vào một phong bì và ghi là "Sơ yếu lý lịch".
*Đơn xin việc*
Đa phần được sử dụng để tuyển chọn bước đầu thay cho sơ yếu lý lịch. Có thể yêu cầu đơn xin việc của từng công ty trên trang chủ của công ty hoặc qua điện thoại, email, v.v…
► Những điểm lưu ý
-
Nộp đơn đúng thời hạn.
-
Viết cẩn thận, ngay ngắn, tương tự như viết sơ yếu lý lịch.
-
Kiểm tra cả khả năng viết văn bản. Viết câu trả lời chính xác và ngắn gọn đối với phần câu hỏi.
Ngoài phỏng vấn và kiểm tra lực học, cũng có các công ty thực hiện kiểm tra năng khiếu và phán đoán tính cách, v.v... Tùy theo công ty mà có nhiều hình thức phỏng vấn khác nhau, có thể là 1 người phỏng vấn 1 người, hoặc phỏng vấn theo nhóm, v.v… Kết quả tuyển dụng sẽ không được quyết định qua 1 lần phỏng vấn và nội dung phỏng vấn sẽ ở mức độ cao hơn qua nhiều lần phỏng vấn. Cũng có khi bạn sẽ bị hỏi những câu liên quan đến sơ yếu lý lịch và đơn xin việc, nên bạn cần phải nhớ những gì mình đã viết.
► Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
-
Tại sao bạn đi du học Nhật Bản?
-
Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty Nhật Bản?
-
Tại sao bạn chọn công ty này? (Động cơ xin việc)
-
Bạn muốn làm công việc như thế nào?
-
Bạn có mong muốn gì trong tương lai, chẳng hạn như số năm làm việc tại Nhật Bản, hoặc muốn bổ nhiệm vào làm việc cho công ty liên kết, v.v…?
-
Lĩnh vực chuyên môn và chuyên ngành của bạn ở trường đào tạo chuyên ngành là gì?
-
Xin hãy cho biết về kinh nghiệm làm việc của bạn trước đây. Nếu đất nước của bạn có chế độ nghĩa vụ quân sự, xin hãy cho biết thời gian bạn nhập ngũ.
-
Trình độ tiếng Nhật và tiếng Anh của bạn?
-
Tin tức nào bạn quan tâm gần đây nhất?
-
Sở thích của bạn là gì?
-
Xin hãy tự giới thiệu về bản thân.
Buổi phỏng vấn sẽ rất căng thẳng, nhưng dù bạn có nói sai tiếng Nhật một chút thì cũng đừng quên thể hiện khuôn mặt tươi cười và hãy nhìn thẳng vào người phỏng vấn mà trả lời.
Sau khi tham dự cuộc thi tuyển dụng và phỏng vấn, bạn sẽ phải chờ câu trả lời để biết rằng mình có được tuyển dụng hay không. Thời gian thông báo sẽ khác nhau tùy theo công ty, nhưng cũng có công ty cho biết ngày thông báo kết quả khi phỏng vấn.
Nếu nhận được quyết định không chính thức từ phía công ty, bạn cần phải trả lời quyết định đó. Khi nhận quyết định không chính thức, trước khi trả lời, bạn cần phải xác nhận lại những điểm chưa rõ ràng hay những điểm còn bận tâm, hoặc chế độ đãi ngộ sau khi vào làm ở công ty, v.v… Nếu vẫn giữ ý định vào làm ở công ty thì hãy nhanh chóng liên lạc với công ty. Trường hợp từ chối quyết định không chính thức này, bạn cần phải gọi điện thoại từ chối và viết cả thư từ chối. Bạn nên bày tỏ thái độ chân thành đối với công ty đã công nhận bạn và đưa ra quyết định không chính thức, và không được tỏ thái độ không còn liên quan gì nữa.
asiajobfair.net