|
Hội chợ việc làm ở Nhật Bản trông khá giống với một cảnh trong phim “Ma trận” (The Matrix). Những dòng sinh viên ăn mặc chỉnh tề với các bộ vest đen và áo sơ mi trắng đứng thành vòng tròn xung quanh người tuyển dụng. Dù số việc làm nhiều hơn cả số ứng viên, những “đặc vụ Smith” này vẫn phải bước vào những “cuộc chiến” rất khắc nghiệt để giành lấy vị trí trong những công ty tên tuổi. Còn nhà tuyển dụng từ những công ty nhỏ thì tạm thời “bị ghẻ lạnh”.
“Những công ty nổi tiếng trong các ngành như tài chính có 7 ứng viên cho 1 công việc, còn chúng tôi phải cạnh tranh với 6 công ty khác để lôi kéo được 1 ứng viên về mình”, Shuto Kuriyama – người đang làm việc tại phòng nhân sự của công ty nội thất Shimachu – nói. Anh đã hết sức cố gắng để có thể thu hút sinh viên đến với buổi thuyết trình giới thiệu của công ty mình tại hội chợ ở Chiba hồi đầu tháng, nhưng nỗ lực không đem lại nhiều hiệu quả bởi các sinh viên mới ra trường chỉ chăm chăm hướng về những công ty lớn.
|
Là một trong những nước phát triển có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, tình hình ở Nhật Bản lại đối lập so với ở châu Âu và Mỹ, nơi mà tình trạng thiếu việc làm tốt cho người dân bản xứ chính là nhân tố thôi thúc người dân ủng hộ các chính trị gia muốn chống lại toàn tự do thương mại và người nhập cư. Chỉ có 3% dân số Tokyo thất nghiệp, so với mức 9,6% ở châu Âu à 4,7% ở Mỹ.
Tìm việc ở Nhật Bản không chỉ có nghĩa là bạn mang trên mình 1 bộ đồ thật lịch sự và chuẩn bị 1 CV ấn tượng, bạn còn phải học cách thích nghi với những quy tắc cứng nhắc như bước vào phòng như thế nào, thậm chi là ngồi xuống và cúi gập người như thế nào cũng như một danh sách dài kính ngữ được sử dụng trong những trường hợp khác nhau.
Hiện tại, các công ty lớn và những sinh viên tài giỏi có chính xác là 7 tháng để tìm người mới. Mùa tuyển dụng dành cho sinh viên đại học năm thứ ba chính thức bắt đầu từ ngày 1/3 và các doanh nghiệp lớn sẽ chính thức hóa quyết định tuyển dụng của mình bằng cách trao giấy chứng nhận tại buổi lễ tổ chức vào ngày 1/10.
Kết quả khảo sát cho thấy những ngành được sinh viên ưa chuộng nhất là ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, du lịch và hàng không. Dù mức lương khởi điểm ở công ty to và công ty nhỏ không có nhiều khác biệt, điểm mấu chốt nằm ở lộ trình tăng lương và chế độ phúc lợi đầy hứa hẹn đối với những ai gắn bó lâu dài.
Năm nay 22 tuổi, Michiyoshi Aoki là một trong số 31.000 sinh viên tham gia hội chợ. Cô cho biết mình gạt bỏ những công ty nhỏ ra khỏi danh sách tìm kiếm. Mục tiêu là những công ty ô tô tên tuổi như Toyota, Nissan và Honda vì chúng đem lại những cơ hội lớn và tương lai tươi sáng.
Các công ty nhỏ và vừa của Nhật Bản (có vốn từ 100 triệu yên tức 880.000 USD trở xuống) đang thiếu hụt lao động trầm trọng nhất kể từ đầu những năm 1990. Trong khi đó các công ty lớn cũng đang phải dần dần nới lỏng quy trình tuyển dụng. Một số tính đến chuyện tuyển lao động người nước ngoài.
Ví dụ, công ty thực phẩm Calbee Inc. đang có kế hoạch tuyển cả những người đã tốt nghiệp được 5 năm nhằm đa dạng hóa nhân sự. Hoshino Resorts Inc. cho phép phỏng vấn qua video để tìm thêm nhân tài.
Một số cũng đang cố gắng cải thiện môi trường làm việc. Công ty chứng khoán Daiwa mới đây đã thực hiện những thay đổi nhằm tạo điều kiện hơn cho các nhân viên nữ và người đã cứng tuổi.
Các công ty Nhật Bản có thể tìm đến một nguồn lao động vẫn chưa được khai phá: các sinh viên nước ngoài đang du học tại Nhật Bản. Hôm 10/3, một hội chợ việc làm dành riêng cho sinh viên nước ngoài đã được tổ chức tại Tokyo với sự tham gia của 32 công ty trong đó có nhiều ngân hàng lớn.
“Tôi muốn làm việc tại Nhật, Tuyết Ngân – du học sinh người Việt 26 tuổi nói. Cô đang tìm việc trong ngành thực phẩm hoặc đóng tàu. “Nước Nhật có quá nhiều người già, vì thế tôi nghĩ rằng họ cần những người trẻ tuổi như tôi”.
Theo Thu Hương
Trí thức trẻ